BÁO CÁO
TÌNH HÌNH HOẠT ĐỘNG SẢN XUẤT KINH DOANH NĂM 2020 VÀ PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ, KH SXKD NĂM 2021
I . TÌNH HÌNH HOẠT ĐỘNG SẢN XUẤT KINH DOANH NĂM 2020:
- Đặc điểm tình hình:
Năm 2020, Thế giới và trong nước, với rất nhiều biến động lớn về an ninh chính trị, đặc biệt với với đại dịch COVID 19 diễn biến phức tạp, kéo dài đã kéo lùi sự phát triển kinh tế của tất cả các quốc gia trên thế giới, nhiều ngành nghề bị ảnh hưởng nghiêm trọng và hệ lụy đã có rất nhiều doanh nghiệp phải tuyên bố phá sản, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, tình hình Việt nam nói chung và tại công ty CP Điện nhẹ nói riêng cũng không tránh khỏi hệ lụy đó.
Việc cơ quan quản lý Nhà nước, tiếp tục siết chặt quản lý, ban hành nhiều chính sách, biện pháp thắt chặt gây khó khăn rất lớn với các đơn vị còn nợ ngân sách như: Công bố danh sách, thông báo công khai (gây ảnh hưởng uy tín đơn vị), Niêm phong tài khoản ngân hàng, Thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng, Cưỡng chế thu nợ, hạn chế tham gia đấu thầu các dự án nhất là các dự án có vốn nhà nước. Do còn nợ thuế cao (Nợ gốc hơn 14 tỷ đồng) nên LTC bị cưỡng chế bằng biện pháp TB hóa đơn không có giá trị sử dụng. điều này gây ảnh hưởng lớn nhất tới kết quả sản xuất kinh doanh của công ty, ảnh hưởng tới tính hoạt động liên tục của công ty. Đây cũng là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến kết quả sản xuất kinh doanh của công ty và dẫn đến kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến.
Vốn, tài sản đảm bảo của LTC rất hạn chế, trong những năm qua nguồn lực phục vụ SXKD chủ yếu dùng vốn vay (tổ chức tín dụng, tổ chức, cá nhân), Chi phí tài chính cao. Đến năm 2020, các công trình đang ở trong giai đoạn thanh, quyết toán, xuất hóa đơn, do vậy dư nợ phải thu tại các công trình đã thi công vẫn còn rất lớn.
Trong bối cảnh đó, tiếp tục với phương châm “thận trọng; ổn định, hướng tới phát triển bền vững”, cùng sự quyết tâm của Ban điều hành, sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của HĐQT, sự hỗ trợ, động viên, giúp đỡ của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Các cổ đông lớn, cổ đông chiến lược, cùng với việc củng cố và giữ mối quan hệ mật thiết với những khách hàng thân thiết, vận dụng cơ chế linh hoạt theo tình hình thực tế với các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức tín dụng, đã tạo điều kiện để Công ty Cổ phần Điện nhẹ Viễn thông khắc phục một phần khó khăn, thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh năm 2020, đồng thời nhận thức xây dựng lại KH SXKD cho phù hợp tình hình thực tế, phù hợp các nguồn lực, tập trung ổn định, cơ cấu lại các nguồn lực của Công ty, hướng tới tái lập doanh nghiệp, xây dựng Chiến lược phát triển trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.
- Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh 2020:
Trước bối cảnh vô cùng khó khăn nêu trên, Công ty đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp để khắc phục khó khăn, và đạt được các kết quả như sau:
2.1 Các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh:
2.1.1 Kết quả:
Đơn vị: đồng
Số tt | Chỉ tiêu | Nghị quyết ĐHCĐ | Kết quả thực hiện | Tỷ lệ thực hiện KH (%) |
1 | Doanh thu | 25.000.000.000 | 5.191.503.100 | |
2 | Lợi nhuận gộp | 4.000.000.000 | 363.145.870 | |
3 | Lợi nhuận kế toán trước thuế | 625.000.000 | (5.490.170.232) | |
4 | Lợi nhuận sau thuế | 500.000.000 | (5.491.238.583) | |
5 | Cổ tức | 0% | 0% |
2.1.2 Nguyên nhân không đạt được doanh thu, lợi nhuận âm so với Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông giao năm 2019:
Thứ nhất, Do nợ ngân sách và Quyết định cưỡng chế hóa đơn bằng biện pháp thông báo Hóa đơn không có giá trị sử dụng của Cục thuế Hà Nội.
Việc nợ ngân sách nhà nước, bị cưỡng chế hóa đơn, ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty, không những rất khó khăn trong việc xuất hóa đơn, ghi nhận doanh thu, thu hồi tiền mà còn ảnh hưởng lớn tới việc tham gia đấu thầu các gói thầu, dự án mới. Đây là nguyên nhân căn bản dẫn tới kết quả hoạt động sản xuất kinh không được như kỳ vọng, và đây cũng là vấn đề trọng yếu nhất mà LTC cần có phương án giải quyết linh hoạt, triệt để trong chiến lược phát triển ngắn và trung hạn. Nhưng năm 2020 vẫn chưa giải quyết được.
– Thứ hai, tập trung xử lý công nợ tại các công trình, dự án đã thi công:
Năm 2020 xét thấy LTC còn nhiều khó khăn về vốn, thiếu tài sản đảm bảo tại ngân hàng, không được vay vốn để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh do dư nợ tại ngân hàng cao, công nợ phải thu lớn, chủ yếu do các công trình thi công từ những năm trước đều vào giai đoạn quyết toán, Ban điều hành xác định tập trung nguồn lực, nhân lực giải quyết các tồn đọng tại các công trình này, tập trung hoàn thiện hồ sơ quyết toán, bảo vệ kiểm toán công trình, quyết toán vốn các công trình nhằm thu hồi vốn đã đầu tư, giảm thiểu chi phí tài chính.
Đến thời điểm này các công trình, dự án lớn mà đơn vị triển khai đã cơ bản hoàn thành hồ sơ quyết toán, kiểm toán và quyết toán vốn, như: Công trình Hào kỹ thuật – TP HCM, Các công trình KCN Điềm thụy – Thái nguyên, Công trình Vincom, Công trình BD 65 Tổng cục an ninh, công trình Quốc lộ 3 Hà nội – Thái nguyên … phải thu từ các công trình này gần 60 tỷ đồng. Nhưng đến nay chưa thanh quyết toán thu nợ được từ các công trình trên.
– Thứ 3: Một số công trình, dự án đã thi công xong nhưng chưa xuất được Hóa đơn (do bị cưỡng chế hóa đơn) để ghi nhận doanh thu:
Công trình thi công hệ thống M & E tại Đầm già Nha Trang (CĐT: Vincom), Công trình Nhà liền liền kề (Vincom Thanh Hóa), Công trình Hệ thống điện nhẹ (CĐT: Nam Cường) Công trình nhà liền kề (Vincom Yên Bái). Ngoài ra còn nhiều công trình phải xuất hóa đơn GTGT để thu hồi công nợ: các Dự án KCN điềm thụy thái nguyên, Công trình Hào kỹ thuật – TP HCM, Công trình PK 1C – Quốc lộ 3… Đây cũng là vấn đề rất trọng yếu ảnh hưởng tới Doanh thu, lợi nhuận của công ty.
* Lợi nhuận sau thuế bị âm, không đạt theo kế hoạch do các nguyên nhân sau:
Do chi phí tài chính:
Do chưa thu được tiền từ các công trình nên LTC vẫn thanh toán được các khoản vay của ngân hàng, tổ chức, cá nhân khác nên khoản lãi vay này chiếm đa số trong chi phí của doanh nghiệp.
Từ các năm 2012 đến năm 2018 và đến nay, nguồn vốn để phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của LTC chủ yếu dựa vào dòng tiền vay vốn của Ngân hàng. Do vậy, chi phí lãi vay này ảnh hưởng đến giá vốn và lợi nhuận gộp của công trình/dự án và cũng ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận trước thuế, lợi nhuận sau thuế và cổ tức. Năm 2020 dư nợ vay ngắn hạn của LTC còn cao, do nguồn thu tại các công trình dự án chủ yếu giai đoạn quyết toán, việc thu hồi vốn còn nhiều khó khăn, chủ yếu phụ thuộc nguồn vốn chủ đầu tư, hoặc do LTC chưa xuất được hóa đơn để thu tiền. chi phí tài chính ảnh hưởng lớn tới kết quả SXKD. Hơn nữa Do không suất được hóa đơn để ghi nhận doanh thu, việc không ghi nhận được doanh thu các công trình đã thi công xong cũng ảnh hưởng rất lớn tới lợi nhuận của công ty.
Vấn đề hạch toán số tiền chậm nộp Thuế trên BCTC: Hiện tại, theo BCTC 2021 trình ĐHĐCĐ, Ban điều hành, HĐQT chưa hạch toán phần chi phí phát sinh do chậm nộp thuế ( Nợ gốc khoảng 14 tỷ, Tổng cả gốc cộng lãi chậm nộp 38.7 tỷ). Số tiền lãi do chậm nộp này, HĐQT, Ban điều hành dự kiến sẽ báo cáo cơ quan Thuế, xin miễn giảm khi hoàn thành nghĩa vụ nợ gốc. Xin ý kiến ĐHĐCĐ đồng ý thông qua việc chưa hạch toán chi phí này vào BCTC.
Vấn đề về lấy thặng dư vốn cổ phần hoặc quỹ đầu tư phát triển bù đắp lỗ lũy kế: HĐQT, Ban điều hành xin ý kiến ĐHĐCĐ.
Trên đây là báo cáo kết quả SXKD 2020 và phân tích những khó khăn, tồn tại của Công ty LTC dẫn đến việc Công ty không hoàn thành được kế hoạch doanh thu và kế hoạch lợi nhuận mà Đại hội đồng cổ đông đã giao.
Mặc dù năm 2020 đánh giá là một năm vô cùng khó khăn với LTC, kết quả hoạt động SXKD kém hiệu quả, trong điều kiện đó chúng ta cũng đã đạt được một số kết quả nhất định, tạo tiền đề ổn định và phát triển cho kế hoạch SXKD năm 2021 và các năm tiếp theo.
- PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ VÀ KẾ HOẠCH SẢN XUẤT KINH DOANH NĂM 2021.
1/ Nhận định và đánh giá tình hình.
Về vĩ mô: Tình hình kinh tế chính trị thế giới có nhiều biến động bất thường, khó lường trước được như chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, tình hình chính trị phức tạp giữa Nga – Mỹ – Các nước châu âu và Trung đông, đặc biệt là tình hình dịch bệnh COVID 19 ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường … Tình hình trong nước cũng không nằm ngoài những khó khăn ấy, xong cũng có có nhiều biến chuyển tích cực, đó là sự cam kết hỗ trợ Doanh nghiệp của chính phủ, Việt nam chính thức là thành viên của hiệp định CP TPP (TPP 11), cam kết thúc đẩy và hội nhập nền kinh tế thế giới – cách mạng công nghiệp 4.0. việc đẩy mạnh chính phủ số – chính quyền điện tử … Đây là cơ hội, là thời cơ xong cũng có vô vàn thách thức mà các doanh nghiệp phải đối mặt.
Về vi mô: LTC là đơn vị hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực xây lắp các công trình hạ tầng, dân dụng, công nghiệp, viễn thông. Trong những năm qua LTC đã triển khai nhiều công trình dự án trọng điểm, tạo được uy tín với các chủ đầu tư, bước đầu xây dựng được năng lực trên thị trường, Với mô hình tinh gọn, chuyên nghiệp, lấy hiệu quả làm mục tiêu, tiến hành đổi mới phương thức quản trị, điều hành, tiết kiệm chi phí, sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực …Song, bên cạnh đó LTC còn phải đối mặt với rất nhiều vấn đề trọng yếu, nhiều khó khăn, tồn tại. Đó là: Nợ ngân sách nhà nước cao (Thuế, Bảo hiểm xã hội), bị Cưỡng chế hóa đơn, không đủ điều kiện tham gia nhiều gói thầu, Nguồn vốn phục vụ SXKD (Chủ yếu dựa nguồn vốn vay), thiếu tài sản đảm bảo tại các tổ chức tín dụng, chỉ số tín dụng thấp, tồn tại nhiều khoản thu khó đòi tồn tại từ nhiều năm trước; Các khoản phải trả do vay cá nhân; Vấn đề đầu tư tại các công ty thành viên.
Từ những thuận lợi và khó khăn, những cơ hội và thách thức đó, Hội đồng quản trị, Ban điều hành công ty xin đưa ra kế hoạch SXKD năm 2021 và các giải pháp nhằm thực hiện kế hoạch cho năm 2021 như sau:
2/ Kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2021:
2.1. Mục tiêu, nhiệm vụ:
Với những thuận lợi và khó khăn nêu trên, để vượt qua thách thức, tiếp tục ổn định từng bước phát triển theo hướng bền vững, năm 2021 LTC phấn đấu hoàn thành mục tiêu như sau:
Đơn vị: đồng
STT | CHỈ TIÊU | KH 2021 | Ghi chú |
1 | Tổng Doanh thu | 5.000.000.000 | |
2 | Lợi nhuận gộp | 800.000.000 | |
3 | Lợi nhuận trước thuế | 300.000.000 | |
4 | Lợi nhuận sau thuế | 240.000.000 |
Để hoàn thành các mục tiêu về SXKD cho năm 2021, Chúng tôi xin đưa ra các giải pháp thực hiện, cũng như các đề xuất như sau:
Thứ nhất: Hoàn thiện các công trình xây lắp còn dở dang để đẩy mạnh thu hồi công nợ (các vấn đề về hồ sơ thanh quyết toán, xuất hóa đơn cho chủ đầu tư ). Chuyển đổi cơ cấu doanh thu của công ty từ hoạt động xây lắp sang lĩnh vực thương mại. nghiên cứu mở rộng thị trường, phát triển dịch vụ mới, thực hiện chuyển đổi từ dịch vụ truyền thống sang dịch vụ số để phù hợp xu thế nhằm tăng doanh thu, lợi nhuận cho Công ty. Phối hợp với các đối tác chiến lược thuộc tập đoàn VNPT như: (Technology, IT, NET, VNPT các tỉnh, TP … ) trong chiến lược phát triển năm 2021 tạo tiền đề cho các năm tiếp theo.
Điều chỉnh linh hoạt chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp với tình hình thực tế và theo từng giai đoạn phát triển của công ty.
Tập trung phát triển tại công ty con – Công ty CP Đầu Tư Điện Nhẹ Viễn Thông – LTCI (LTCI công ty LTC đang chiếm 98% cổ phần): đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh nhất là lĩnh vực công nghệ thông tin, dịch vụ số hóa, tăng cường ký kết và thực hiện các Hợp đồng, gói thầu mới, chủ động việc xuất hóa đơn, toàn bộ doanh thu, kết quả SXKD được hợp nhất về công ty, chủ động nâng cao năng lực của công ty Con đáp ứng về năng lực thực hiện các gói thầu. trong giai đoạn công ty mẹ LTC bị ảnh hưởng do cưỡng chế hóa đơn, rất khó khăn về hoạt động sản xuất kinh doanh, việc tăng cường phát triển tại công ty con LTCI để hỗ trợ lại các hoạt động của công ty LTC là cần thiết.
Thứ 2: Tiếp tục tập trung xử lý vấn đề nợ ngân sách: Tập trung các nguồn lực để nộp dần các khoản nợ ngân sách nhà nước, tiếp tục làm việc cơ quan quản lý nhà nước gia hạn thời gian nộp; Thuê và phối hợp đơn vị tư vấn thuế vận dụng các chính sách pháp luật hiện hành để xin miễn, giảm thuế và các khoản phát sinh do chậm nộp, tiến tới xin gỡ bỏ lệnh cưỡng chế hóa đơn.
Thứ 3: Về tài chính:
Tiếp tục đẩy mạnh công tác thu hồi công nợ, đặc biệt các công nợ tồn động kéo dài từ nhiều năm, có nguy cơ không có khả năng thu hồi, báo cáo xin ý kiến HĐQT phương án xử lý các khoản nợ khó đòi.
Quản lý chặt chẽ về tài chính, kiểm soát dòng tiền. Tăng cường kiểm soát nội bộ, thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hành tiết kiệm, giảm chi phí, chống lãng phí.
Về nguồn vốn SXKD: tiếp tục duy trì quan hệ với tổ chức tín dụng, để xây dựng hạn mức, chỉ số tín dụng phù hợp với điều kiện thực tế trong hoạt động SXKD. Nhằm đáp ứng yêu cầu của ngân hàng về tài sản đảm bảo cho các khoản vay của công ty hiện nay, ngoài các tài sản đảm bảo của công ty, tiếp tục đàm phán gia hạn mượn tài sản của các cá nhân làm tài sản đảm bảo, Tuy nhiên do một số cá nhân đang có yêu cầu phải rút trả tài sản nên trong thời gian tới BĐH công ty phối hợp với ngân hàng để hoàn trả các tài sản cá nhân trên.
Giảm chi phí tài chính: kết quả sản xuất kinh doanh của công ty bị âm, chủ yếu là do chi phí tài chính (lãi vay và lãi do nợ quá hạn) năm 2020 hạch toán cho phí này là 5.148.951.213 Đ), cần đẩy mạnh việc thu hồi công nợ, thanh lý một số tài sản của công ty để trả các nguồn vay từ tổ chức tín dụng ( BIDV) đàm phán ngân hàng miễn giảm lãi vay (đến 2021 khoảng 11 tỷ). Đàm phán các chủ nợ vay cá nhân tiếp tục gia hạn, giảm lãi suất.
Thứ 4: Về quản trị:
Tiếp tục bổ sung, ban hành các quyết định, quy chế, quy định để hoàn thiện bộ máy điều hành Công ty. Cải tiến hệ thống quản trị theo hướng tiên tiến để đáp ứng cho việc quản trị Công ty theo định hướng phát triển bền vững.
Bám sát các chỉ tiêu, kế hoạch sản xuất kinh doanh để đề ra giải pháp, có sự chỉ đạo phù hợp với từng giai đoạn, từng thị trường.
Thứ 5: Về tổ chức:
Hoàn thiện bộ máy tổ chức nhân lực tại các phòng ban của công ty và công ty con để phù hợp với sự phát triển của LTC, xây dựng cơ cấu tổ chức phù hợp để phát huy tối đa các nguồn lực của Công ty.
Bố trí, sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực hiện có trong công ty; tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ công tác tuyển dụng, đào tạo, sử dụng lao động, đánh giá hiệu quả làm việc của mỗi cá nhân để nâng cao chất lượng công việc.
Tập trung xây dựng và sớm thực hiện các chính sách thu hút lao động có trình độ chuyên môn cao, bổ sung vào các vị trí còn thiếu và yếu tại Công ty.
Đảm bảo chế độ trả tiền lương, trả thưởng cho người lao động. Gắn chức danh và kết quả lao động của từng CBCNV. Không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho CBCNV nhằm động viên, khuyến khích người lao động sáng tạo, trách nhiệm, trung thực trong công việc.
Tiếp tục xây dựng văn hóa doanh nghiệp.
Kính thưa Đại hội!
Để đảm bảo thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh 2021 và định hướng phát triển ổn định, bền vững trong những năm tiếp theo, LTC cần tập trung giải quyết các vấn đề trọng yếu, cấp bách như: Nợ ngân sách, Cưỡng chế hóa đơn, Nguồn vốn SXKD, tài sản đảm bảo, Chỉ số tín dụng, các khoản vay tổ chức, cá nhân… Thay mặt Ban điều hành kính báo cáo cổ đông, kính mong nhận được sự ủng hộ và nhận được nhiều ý kiến đóng góp của quý cổ đông.
Về vấn đề Báo cáo tài chính năm 2020:
Đơn vị kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến đối với báo cáo tài chính năm 2020 của LTC, Ban điều hành cùng HĐQT đã trực tiếp và nhiều lần làm việc với đơn vị kiểm toán xong họ vẫn đưa ra quan điểm và quyết định Từ chối đưa ra ý kiến. nguyên nhân chủ yếu do LTC đang nợ ngân sách cao, kéo dài, bị cưỡng chế hóa đơn ảnh hưởng tới tính hoạt động liên tục, Các công nợ phải thu tồn tại từ nhiều năm trước, nhiều công nợ khó có khả năng thu hồi.
III. KẾT LUẬN:
Trên đây là Báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ các giải pháp và đề xuất thực hiện trong năm 2021.
Chúng tôi cam kết trước đại hội, nêu cao tinh thần đoàn kết, tập trung nỗ lực cùng thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ, tạo bước đột phá, vượt qua khó khăn để hoàn thành tốt kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2021
Xin chân thành cám ơn toàn thể Quý cổ đông đã đến tham dự Đại hội cổ đông thường niên năm 2020 của Công ty Cổ phần Điện nhẹ Viễn thông.
Chúc toàn thể quý vị nhiều sức khoẻ, hạnh phúc và thành công!
TỔNG GIÁM ĐỐC
Bùi Trung Liễu |